Lịch sử và nguồn gốc ra đời của ngày Quốc tế Điều dưỡng
Ngày Quốc tế Điều dưỡng được tổ chức vào ngày 12 tháng 5 hàng năm, nhằm vinh danh công lao của Florence Nightingale, người sáng lập ngành Điều dưỡng hiện đại. Sinh ra vào ngày 12/5/1820 trong một gia đình giàu có ở Ý, bà Nightingale đã vượt qua nhiều trở ngại để theo đuổi ước mơ giúp đỡ nghèo. Sau khi học tập và làm việc tại các bệnh viện ở Đức và Paris, bà trở lại London, nơi bà tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Trong giai đoạn 1854-1855, khi chiến tranh Crimée nổ ra, bà được Chính phủ Anh cử sang Thổ Nhĩ Kỳ với vai trò chỉ huy đội điều dưỡng. Tại đây, bà đã cải thiện điều kiện vệ sinh tại các bệnh viện quân đội, giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng từ 42% xuống còn 2%.
Ngày 12/5/1965, Hội đồng Quốc tế Điều dưỡng (The International Council of Nurses, ICN) quyết định lấy ngày sinh của bà làm Ngày Quốc tế Điều dưỡng, nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của ngành Điều dưỡng trên toàn thế giới. Sự kiện này hiện được tổ chức ở nhiều quốc gia như Anh, Úc, Hoa Kỳ và Canada, kéo dài một tuần và kết thúc vào ngày 12 tháng 5, được gọi là Tuần Quốc tế Điều dưỡng.
Tại Việt Nam, từ năm 2018, Bộ Y tế đã hướng dẫn tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh và tôn vinh nghề Điều dưỡng. Các hoạt động thiết thực như lễ kỷ niệm, hội thi điều dưỡng giỏi và tặng quà miễn phí cho bệnh nhân đã được triển khai rộng rãi, góp phần ghi nhận và động viên đội ngũ điều dưỡng trong cả nước. Đây cũng là cơ hội để họ nâng cao trình độ chuyên môn và cải thiện thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.



Ý nghĩa của ngày Quốc tế Điều dưỡng đối với ngành y tế
Từ việc chăm sóc bệnh nhân đến việc cải thiện sức khỏe cộng đồng, ý nghĩa của ngày Quốc tế Điều dưỡng đối với ngành y tế là vô cùng quan trọng và sâu sắc.
Tôn vinh và ghi nhận công lao của điều dưỡng viên
Ngày Quốc tế Điều dưỡng là dịp để tôn vinh và ghi nhận những đóng góp to lớn của các điều dưỡng viên trong ngành y tế. Họ không chỉ là người chăm sóc cho bệnh nhân mà còn hỗ trợ, đồng hành với bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Bằng kinh nghiệp của mình điều dưỡng viên sẽ giúp bệnh nhân giảm bớt sự đau đớn cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các điều dưỡng viên thường phải làm việc trong điều kiện căng thẳng, đôi khi phải đối mặt với những tình huống khẩn cấp. Sự cống hiến và lòng nhiệt huyết của họ cần được công nhận và đánh giá đúng mức. Ngày Quốc tế Điều dưỡng giúp tạo ra một không gian để thể hiện sự biết ơn đối với những điều dưỡng viên này.
Nâng cao nhận thức về vai trò của điều dưỡng viên trong chăm sóc sức khỏe
Ngày Quốc tế Điều dưỡng cũng mang lại cơ hội để nâng cao nhận thức về vai trò của điều dưỡng viên trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Điều dưỡng viên không chỉ là những người thực hiện các chỉ định y tế mà còn là những nhà giáo dục sức khỏe, hỗ trợ bệnh nhân hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của họ và cách chăm sóc bản thân.
Họ đóng vai trò trung gian giữa bác sĩ và bệnh nhân, đảm bảo rằng thông tin được truyền đạt một cách chính xác và kịp thời. Hơn nữa, điều dưỡng viên thường là những người đầu tiên phát hiện những thay đổi trong tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, giúp đưa ra những quyết định quan trọng trong quá trình điều trị.
Điều dưỡng là một mắt xích quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam cũng như trên toàn Thế giới. Để trở thành một Điều dưỡng viên, chắc chắn bạn đã từng nghe về 12 nhiệm vụ của Điều dưỡng. Bên cạnh Y đức hay những chức năng và vai trò của người Điều dưỡng, 12 nhiệm vụ này là những quy định bắt buộc do Bộ Y tế đề ra.
Năng lực của người điều dưỡng được đánh giá bằng kiến thức, kỹ năng thực hành và thái độ đối với nghề nghiệp. Người điều dưỡng có nhiệm vụ quan trọng trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân với thời gian được xác định từ khi nhập viện cho đến khi hồi phục và xuất viện. Các công việc được xác định cụ thể bên cạnh hoạt động của các bác sĩ điều trị. Đảm bảo cho quá trình thăm khám, điều trị bệnh nhân diễn ra hiệu quả nhất với bệnh nhân. Bên cạnh đó, Điều dưỡng viên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng bệnh viện, hoặc các cơ sở nơi Điều dưỡng làm việc.

Nhiệm vụ của Điều dưỡng viên
Nhiệm vụ của Điều dưỡng viên vô cùng quan trọng, bao gồm các hoạt động về điều trị, chăm sóc và phục hồi chức chức năng, giáo dục sức khoẻ. Để giúp đỡ người bệnh nâng cao sức khoẻ, phòng ngừa bệnh tật, giảm đau đớn về thể chất lẫn tinh thần, và biết cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản. Do đó, người Điều dưỡng cần vận dụng những kiến thức và kỹ năng của mình đã được học.
Nhiệm vụ quan trọng của điều dưỡng là chăm sóc điều trị phục hồi chức năng, sức khỏe trí lực tinh thần cho người bệnh, cụ thể với 12 nhiệm vụ như sau:
Nghiêm chỉnh thực hiện quy chế bệnh viện về quy chế chăm sóc người bệnh toàn diện, quy chế quản lý buồng bệnh và buồng thủ thuật.
Thực hiện đầy đủ y lệnh của bác sĩ.
Thực hiện chăm sóc người bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật bệnh viện.
Đối với những người bệnh nặng, nguy kịch phải chăm sóc theo y lệnh và báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường cho Bác sỹ điều trị xử lý kịp thời.
Ghi những thông số, dấu hiệu, triệu chứng bất thường của người bệnh và cách xử lý vào phiếu theo dõi và phiếu chăm sóc theo quy định.
Phải bàn giao người bệnh cho Điều dưỡng trực và ghi vào sổ những y lệnh còn lại trong ngày, những yêu cầu theo dõi, chăm sóc đối với từng người bệnh, đặc biệt là người bệnh nặng trước khi tan ca.
Bảo quản tài sản, thuốc, dụng cụ y tế của cơ sở công tác; giữ trật tự và vệ sinh buồng bệnh, buồng thủ thuật trong phạm vi được phân công.
Tham gia nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chăm sóc người bệnh và hướng dẫn thực hành về công tác chăm sóc người bệnh cho học viên khi được Điều dưỡng trưởng khoa phân công.
Tham gia trực theo sự phân công của Điều dưỡng trưởng khoa.
Động viên người bệnh an tâm điều trị. Bản thân phải thực hiện tốt quy định về y đức.
Thường xuyên tự học, cập nhật kiến thức.
Thực hiện các nhiệm vụ khác của cấp trên.
Ở trên là những nhiệm vụ mà điều dưỡng phải nghiêm chỉnh tuân thủ khi ra trường công tác. Vậy, vai trò và chức năng của điều dưỡng trong hệ thống Y tế sẽ như thế nào?
Vai trò của Điều dưỡng
Vai trò của nhà thực hành chăm sóc: sử dụng quy trình Điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu người bệnh, từ lên kế hoạch và thực hiện theo kế hoạch để đạt mục tiêu đề ra, cho đến giao tiếp với người bệnh. Bên cạnh đó, người Điều dưỡng cũng làm việc cùng những người liên quan đến việc lập kế hoạch chăm sóc người bệnh và cộng tác với những bên liên quan để có kết quả chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Vai trò nhà quản lý: Hướng dẫn cán bộ y tế khác trong việc chăm sóc người bệnh một cách chọn lọc và thích hợp. Sử dụng những kỹ năng chuyên ngành để áp dụng cách điều trị khéo léo, hiệu quả nhất cho bệnh nhân của mình.
Thực hiện vai trò của nhà giáo dục: điều dưỡng còn giữ vai trò là một nhà giáo dục khi thực hiện công tác giáo dục sức khỏe cho mọi người. Sử dụng phương pháp dạy và học cho đội ngũ kế thừa các kiến thức, kỹ năng và đạo đức Điều dưỡng cho những em thực tập viên.
Thực hiện vai trò của nhà nghiên cứu: điều dưỡng trong quá trình công tác cũng cần thực hiện và đóng góp các công trình nghiên cứu để nâng cao kiến thức cho ngành Điều dưỡng. Ứng dụng những thành quả các công trình nghiên cứu thành công.
.jpg)
Tổ Truyền thông và Giáo dục sức khỏe